Tin tức
Cập nhật: 25-04-2025 | Lượt xem: 12 | Tin tức
Quảng Trị và Quảng Bình là hai địa phương phải gánh chịu nhiều đau thương và mất mát nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Nằm trên vĩ tuyến 17, nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc, Quảng Trị trở thành mặt trận nóng bỏng trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đây là nơi diễn ra nhiều trận chiến ác liệt, đặc biệt là 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị.
Mảnh đất này cũng phải hứng chịu một lượng bom đạn khổng lồ trong suốt những năm tháng kháng chiến. Để giành lại độc lập và thống nhất đất nước, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại ở Quảng Trị, bởi vậy, nơi đây được mệnh danh là "đất lửa", "đất thiêng".
Chiến công và sự hy sinh của các anh hùng liệt sỹ gắn liền với những địa danh đã khắc sâu trong lịch sử cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc như: Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, Đường 9 - Khe Sanh.
Trong khi đó, Quảng Bình giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ, là địa bàn tuyến đầu của hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Nơi đây được ví như "yết hầu" trong hệ thống giao thông chiến lược, đóng vai trò then chốt trong việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam.
Suốt gần 21 năm, đặc biệt là trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ, Quảng Bình trở thành một trong những trọng điểm bị đánh phá ác liệt nhất của địch nhằm cắt đứt tuyến tiếp viện từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam...
Hạ tầng giao thông thuận lợi
Chính phủ đã phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Theo phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Quảng Trị sẽ sáp nhập với Quảng Bình, với tên gọi mới là tỉnh Quảng Trị, trung tâm hành chính đặt tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện nay.
Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Trị mới sở hữu hệ thống giao thông đồng bộ và thuận tiện. Đường bộ có quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cùng các tuyến đường quan trọng khác như quốc lộ 9, 12 và 15.
Ngoài ra, tỉnh mới cũng có đường sắt Bắc - Nam chạy qua, sở hữu ga tàu nằm trong các đô thị lớn là Đông Hà và Đồng Hới. Với những thuận lợi về giao thông, Quảng Bình - Quảng Trị có tiềm năng trở thành đầu mối logistics và trung tâm giao thương liên vùng, quốc tế.
Trong tương lai, tỉnh Quảng Trị mới cũng sẽ có 2 sân bay. Trong đó sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) vừa được đầu tư xây dựng thêm nhà ga hành khách T2, với tổng mức đầu tư hơn 1.750 tỷ đồng, nhằm nâng công suất phục vụ lên 3 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Cảng hàng không Quảng Trị được khởi công vào năm 2024 và dự kiến sẽ đưa vào khai thác cuối năm 2026. Sân bay này được thiết kế đạt tiêu chuẩn 4C và sân bay quân sự cấp II, có khả năng khai thác tàu bay Code E, đáp ứng nhu cầu phục vụ 5 triệu hành khách và 25.500 tấn hàng hóa mỗi năm.
Sân bay Đồng Hới (Ảnh: Tiến Thành).
Quảng Bình và Quảng Trị khi sáp nhập còn có 3 cửa khẩu quốc tế quốc tế lớn gồm: Cha Lo, La Lay và Lao Bảo. Đây là những trung tâm xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho khu vực Trung Lào, Đông Bắc Thái Lan và tiểu vùng sông Mê Kông.
Tỉnh mới sau sáp nhập còn có 2 cảng biển lớn là Hòn La (Quảng Bình) và Mỹ Thủy (Quảng Trị). Trong đó cảng Hòn La đang được nâng cấp, xây dựng thêm 4 bến mới nhằm nâng công suất lên 3 triệu tấn/năm vào quý I/2026 và 6 triệu tấn/năm vào quý IV/2027.
Cảng Hòn La được quy hoạch đồng bộ, bao gồm hệ thống kho bãi, khu hậu cần và các công trình kỹ thuật hiện đại. Với vị trí chiến lược nằm trong vịnh Hòn La kín gió, được che chắn bởi đảo Hòn Cỏ và đảo Hòn La, cảng có độ sâu tự nhiên lý tưởng, phù hợp cho tàu trọng tải lớn.
Tỉnh mới sau sáp nhập còn có 2 cảng biển lớn là Hòn La và Mỹ Thủy (Ảnh: Nguyễn Hoàng).
Còn cảng nước sâu Mỹ Thủy ở huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã được khởi công vào năm 2024, dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2025, khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100.000 tấn.
Các cảng biển kể trên nằm gần tuyến hàng hải ven biển, lại nối liền với các cửa khẩu qua hành lang kinh tế Đông - Tây, điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương hàng hóa từ Lào, Thái Lan, Myanmar và vùng kinh tế lân cận.
Những điểm đến mang giá trị lịch sử
Mảnh đất Quảng Bình - Quảng Trị từng trải qua nhiều đau thương, bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Cả hai địa phương đều có nhiều di tích mang dấu ấn lịch sử, những điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách đến dâng hương, tri ân.
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (Ảnh: Tiến Thành).
Quảng Trị được mệnh danh là "bàn thờ Tổ quốc" khi có 72 nghĩa trang liệt sỹ với hơn 55.500 phần mộ của các liệt sỹ ở nhiều tỉnh, thành. Trong đó có Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9.
Quảng Trị còn có các di tích lịch sử nổi tiếng như: Thành cổ Quảng Trị, Địa đạo Vịnh Mốc, Sân bay Tà Cơn, Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải… Đây là lợi thế riêng biệt, thu hút dòng khách du lịch chuyên biệt về lịch sử, hoài niệm, tâm linh, đặc biệt là du khách quốc tế và cựu chiến binh.
Còn tại Quảng Bình hiện nay, du lịch văn hóa - tâm linh cũng là một thế mạnh với các điểm đến như: Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đền Thánh mẫu Liễu Hạnh, chùa Hoằng Phúc hơn 700 năm tuổi, Đền thờ các anh hùng, liệt sỹ Đường 20 Quyết Thắng...
Gắn kết lại, các điểm lịch sử - tâm linh của Quảng Bình và Quảng Trị sẽ tạo ra tuyến tham quan liền mạch, giúp du khách sống lại trang sử vệ quốc hào hùng, đồng thời tìm thấy không gian để chiêm nghiệm và tri ân.
Mỗi điểm đến là một địa chỉ đỏ, nơi mỗi nén hương thắp lên không chỉ để tưởng niệm những người đã ngã xuống, mà còn để khơi dậy trong tim ta niềm tự hào, lòng biết ơn sâu sắc và trách nhiệm gìn giữ hòa bình hôm nay cho thế hệ mai sau.
TÌM KIẾM THEO YÊU CẦU
NHÀ ĐẤT THEO QUẬN HUYỆN