Tin tức
Cập nhật: 15-07-2025 | Lượt xem: 14 | Tin tức
Hai dự án đường ven biển tại Quảng Trị chậm tiến độ do vướng mặt bằng và phát sinh chi phí giải phóng lớn hơn dự toán hàng trăm tỉ đồng.
Dự án đường ven biển tại phường Đồng Hới đang vướng nhiều hồ nuôi thủy sản. Ảnh: Công Sáng
Bàn giao chậm, thi công khó
Dự án thành phần 1 - đường ven biển, thuộc Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, có tổng chiều dài gần 80km, tổng mức đầu tư hơn 2.480 tỉ đồng. Dự án khởi công từ cuối tháng 1.2022, được kỳ vọng hình thành tuyến giao thông chiến lược kết nối liên vùng Bắc Trung Bộ, khai thác tiềm năng kinh tế biển, phục vụ quốc phòng - an ninh, cứu hộ cứu nạn. Theo kế hoạch ban đầu, toàn bộ dự án sẽ hoàn thành vào đầu năm 2026.
Sau hơn 2 năm triển khai, nhiều hạng mục trọng yếu đã được thi công cơ bản hoàn thành tại các khu vực đã bàn giao mặt bằng.
Ban Quản lý dự án cho biết, giá trị khối lượng xây lắp đã thực hiện đạt khoảng 777 tỉ đồng, trên tổng số hơn 1.500 tỉ đồng phần xây lắp. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban Quản lý dự án (thuộc Sở Xây dựng Quảng Trị) thông tin, để thực hiện dự án, cần thu hồi gần 200ha đất, ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ dân và 37 tổ chức. Trong số đó, 43 hộ phải tái định cư.
Dù công tác phê duyệt phương án bồi thường đã hoàn thành trên 94% chiều dài toàn tuyến, nhưng mặt bằng thực tế được bàn giao chỉ mới đạt khoảng 91%. Quan trọng hơn, việc bàn giao không liên tục mà rải rác từng đoạn, gây gián đoạn thi công. Nhà thầu phải di chuyển máy móc, nhân lực, phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ chung.
Tương tự, Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, giai đoạn I cũng lâm vào tình cảnh chờ mặt bằng. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu 2.060 tỉ đồng, chiều dài khoảng 48km, chia thành 4 gói thầu xây lắp. Đây là tuyến đường giữ vai trò chiến lược kết nối vùng ven biển với hành lang kinh tế xuyên Á, đồng thời tạo quỹ đất phát triển đô thị vệ tinh, khu kinh tế biển.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị, giá trị thực hiện hiện nay mới đạt khoảng 37% giá trị hợp đồng các gói thầu, do mặt bằng bàn giao mới đạt hơn 57%. Ngoài các hộ dân bị ảnh hưởng, dự án còn vướng nhiều thủ tục liên quan thanh lý rừng sản xuất. Diện tích rừng nhỏ lẻ, phân tán, nhưng quy trình thẩm định, phê duyệt phương án tận thu kéo dài nhiều tháng. Một số khu tái định cư vẫn chưa hoàn thành, nhiều địa phương chưa xác định xong nguồn gốc đất, gây ách tắc nghiêm trọng cho kế hoạch thi công.
Chi phí giải tỏa đội vốn
Trước thực trạng này, Ban Quản lý dự án đã nhiều lần kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt hơn, yêu cầu các xã, phường tập trung cán bộ phối hợp, đẩy nhanh GPMB, hoàn thành các khu tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật.
Tại Dự án thành phần 1 - đường ven biển, chi phí GPMB thực tế đã vượt dự toán ban đầu gần 300 tỉ đồng.
Trước thời điểm sáp nhập tỉnh, ngày 26.6 vừa qua, HĐND tỉnh Quảng Bình (cũ) đã ban hành nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư, riêng dự án thành phần 1, kinh phí bồi thường, GPMB tăng thêm 290 tỉ đồng, chủ yếu do điều chỉnh đơn giá đền bù đất đai, tài sản trên đất và phát sinh chi phí tổ chức di dời, tái định cư.
Đối với Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây, tình hình cũng không khả quan hơn. UBND tỉnh Quảng Trị (cũ) đã đề nghị HĐND tỉnh điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 2.060 tỉ đồng lên hơn 2.731 tỉ đồng. Nguyên nhân là ngoài chi phí GPMB tăng hơn 540 tỉ đồng, chi phí xây dựng cũng đội lên do điều chỉnh hướng tuyến, bổ sung các hạng mục phòng chống sạt lở, lũ quét.