Tổng công ty phát điện 1 – EVNGENCO1 đã đề xuất với UBND tỉnh Quảng Trị ý tưởng nghiên cứu đầu tư dự án nhiệt điện Quảng Trị quy mô 1.320MW gồm hai nhà máy 660MW.
EVNGENCO1 có vốn điều lệ 23.000 tỷ đồng, là Tổng công ty phát điện lớn nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đang vận hành 10 công ty phát điện với 20 nhà máy điện trên cả nước. Doanh nghiệp này đã làm chủ đầu tư thực hiện, quản lý dự án nhiệt điện Duyên Hải 1 (2x622,5MW), Duyên Hải 3 (2x622,5MW), Nghi Sơn 1 (2x300MW)... và các dự án thủy điện (Đồng Nai 3&4, Bản Vẽ, Sông Tranh...).
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, đến cuối năm 2024, tổng công suất nguồn điện trong EVNGENCO1 là 7.844,5MW, trong đó nhiệt điện là 5.608MW, thủy điện là 2.189MW… Về sản lượng, EVNGENCO1 chiếm khoảng 9,3% sản lượng điện toàn hệ thống.
Các dự án nguồn điện trong EVNGENCO1 đều đã vận hành, phát điện thương mại, tuy nhiên đến nay chưa được giao nguồn điện mới để triển khai trong thời gian tới.
Theo Quy hoạch điện VIII, nhiệt điện Quảng Trị thuộc danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông, thu xếp vốn.
Cụ thể lịch sử, từ tháng 8/2013, dự án được Thủ tướng đồng ý cho Công ty Điện lực quốc tế Thái Lan (EGATi) làm chủ đầu tư và triển khai thực hiện theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), với tổng mức đầu tư trên 55.000 tỷ đồng.
Mặc dù phía nhà đầu tư EGATi và tỉnh Quảng Trị đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai dự án, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, đặc biệt là khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng thông qua việc ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác Công - Tư (PPP) mới, khó khăn nguồn nhiên liệu than nhập khẩu và các cam kết đạt giảm phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 của Chính phủ hai nước (Việt Nam - Thái Lan) nên việc triển khai dự án không được như cam kết ban đầu.
Tháng 4/2024, sau khi EGATi chính thức rời vai trò chủ đầu tư, tỉnh Quảng Trị đồng ý chủ trương cho phép liên danh Công ty CP Tập đoàn T&T và Công ty TNHH SK E&S nghiên cứu, lập hồ sơ chuyển đổi dự án nhiệt điện sang LNG Quảng Trị.
Đồng thời, tỉnh cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, phê duyệt các nội dung điều chỉnh như chuyển đổi nhiệt điện Quảng Trị sang nhiệt điện LNG Quảng Trị (chuyển đổi công nghệ nhà máy từ sử dụng nhiên liệu than sang khí LNG), quy mô công suất từ 2x660MW sang 2x750MW, vận hành giai đoạn 2025-2030 trong quy hoạch và kế hoạch thực hiện quy hoạch.
Trong trường hợp được chấp thuận phê duyệt các nội dung nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh khi đó còn cam kết đưa dự án nhà máy nhiệt điện LNG Quảng Trị hoàn thành, đi vào vận hành trước năm 2030.
Ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - Chủ tịch Điều hành của Tập đoàn T&T đang đặt nhiều tham vọng tại vùng đất Quảng Trị. Từ năm 2022, Tập đoàn T&T và tổ hợp nhà đầu tư Hàn Quốc khởi công dự án Trung tâm điện khí LNG Hải Lăng - giai đoạn 1, công suất 1.500MW, với tổng vốn đầu tư 2,3 tỷ USD. Đây là dự án điện khí lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị cho đến nay.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027. Tuy nhiên dự án vẫn đang gặp vướng mắc và chưa tháo gỡ xong.
Ngoài điện khí LNG Hải Lăng, từ năm 2020, T&T Group đã đề xuất với tỉnh Quảng Trị về việc nghiên cứu, lập hồ sơ dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Trị. Và tới tháng 7/2024, dự án có tổng đầu tư 5.800 tỷ đồng đã được liên danh nhà đầu tư T&T Group – Cienco 4 chính thức khởi công xây dựng. Theo kế hoạch, dự kiến Cảng hàng không Quảng Trị sẽ hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2026.
Tại Hội nghị gặp gỡ 12 tập đoàn lớn của Thường trực Chính phủ vào ngày 21/9/2024, bầu Hiển đã tiết lộ một đề án mới của tập đoàn, đó là đề xuất đầu tư xây dựng một Tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay có quy mô khoảng 3.700 ha, đặt tại tỉnh Quảng Trị.