Tin tức
Cập nhật: 19-12-2024 | Lượt xem: 47 | Tin tức
Quốc lộ 9 sẽ được tiếp tục đầu tư từ nguồn vốn công trung hạn - Ảnh: HOÀNG TÁO
Chiều 18-12, ông Lê Đức Tiến - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho hay tỉnh Quảng Trị đang tích cực phối hợp với Bộ Giao thông vận tải làm các thủ tục đóng dự án nâng cấp quốc lộ 9 từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới và chuẩn bị đầu tư đoạn quốc lộ này bằng nguồn vốn công trung hạn.
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 đoạn từ cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh) đến quốc lộ 1 (huyện Cam Lộ) do Cục Đường bộ Việt Nam là chủ đầu tư, dài 13,8km, tổng mức đầu tư 440 tỉ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), thực hiện năm 2021 - 2022. Tuy nhiên, do thiếu mặt bằng, dự án phải dừng thi công.
Ông Tiến cho hay Bộ Giao thông vận tải đang hoàn tất thủ tục thanh quyết toán và đóng dự án vay vốn WB.
"Cùng với việc đóng dự án, Cục Đường bộ Việt Nam đang hoàn tất các bước chuẩn bị đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 9 từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2030. Như vậy, quốc lộ 9 sẽ được tiếp tục thi công, hoàn thành từ nguồn vốn trung ương", ông Tiến cho hay.
Trước đó cuối tháng 11-2024, Văn phòng Chính phủ có văn bản nêu Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn có ý kiến giao Bộ Giao thông vận tải đóng dự án vay vốn WB và chịu trách nhiệm quản lý, xây dựng phương án tiếp tục đầu tư, hoàn tất những hạng mục dang dở.
Về trách nhiệm của địa phương, UBND tỉnh Quảng Trị cho hay ngay khi được phê duyệt, tỉnh đã chủ động bố trí vốn và triển khai ngay giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tập trung chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc.
Dù thế, do cả khách quan và chủ quan mà việc bàn giao mặt bằng chậm tiến độ.
Cụ thể, khối lượng giải phóng mặt bằng rất lớn với hơn 800 trường hợp bị ảnh hưởng, quy trình xây khu tái định cư mất nhiều thời gian, trên tuyến có nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật, biến động giá cả khiến chi phí giải phóng mặt bằng từ 75 tỉ tăng lên 345 tỉ đồng, giãn cách xã hội do dịch COVID-19, thời tiết bất lợi...
Cạnh đó, quy trình giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian, hơn 10 tháng nhưng thời gian thực hiện dự án chỉ 1 năm. Mặt khác, khung chính sách của nhà tài trợ và quy định của Việt Nam có sự khác biệt dẫn đến khó thực hiện.
Trong khi đó, dự án từ khi phê duyệt là tháng 11-2021 đến khi kết thúc là tháng 12-2022, chỉ hơn 1 năm nên Quảng Trị không kịp bàn giao mặt bằng.
Về chủ quan, tỉnh Quảng Trị nhận định các cấp chính quyền chưa lường được tình hình đột biến giá đất khiến số tiền đền bù tăng, khiến khó triển khai.
Ngoài ra cùng thời điểm này, tỉnh Quảng Trị triển khai nhiều dự án giao thông lớn như cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, đường nối đường Hồ Chí Minh nhánh đông và tây… nên nhân lực không đáp ứng.
TÌM KIẾM THEO YÊU CẦU
NHÀ ĐẤT THEO QUẬN HUYỆN